CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG DÂN DỤNG HÀ NỘI

TRÊN 45 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

 

     Thời kỳ đầu những năm 1972 - 1975:

Công ty Xây dựng Dân dụng Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 121/TCCQ của Ủy ban Hành Chính Thành phố Hà Nội ngày 22/01/1972 để thực hiện nhiệm vụ chuyên xây dựng các công trình dân dụng, dịch vụ, phúc lợi công cộng của Thành phố.

Tiền thân của Công ty gồm các đơn vị: Công ty Xây dựng 104, Công trường 106, Công ty Xây lắp Công nghiệp, Công trường 17 của Công ty Sửa chữa Nhà cửa, Công trường Thanh niên tình nguyện kiến thiết Thủ đô, 1 Phân xưởng bê tông của Xí nghiệp Gạch lát Nam Thắng sáp nhập lại. Chủ nhiệm đầu tiên của Công ty là đồng chí Trần Thanh. Tổng số cán bộ công nhân viên lúc này có 2.100 người.
      Tháng 8 năm 1972 mùa mưa lũ, nước sông lên cao, uy hiếp đê sông Hồng, CBCNV Công ty được điều đi chống lụt tại đê quoai Thanh Trì. Trong nhiệm vụ chống lụt đó, CBCNV Công ty đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
       Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 12/1972, lực lượng tự vệ, CBCNV Công ty đã lao vào lửa đạn để cứu sập, giải quyết hậu quả ở kho lương thực Vĩnh Tuy; Khu cao xà lá Thượng Đình; Bệnh viện Bạch Mai; Khu phố Khâm Thiên; Đại sứ quán Pháp, nơi đã diễn ra sự huỷ diệt của bom B52 trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972. Trong gian khó ác liệt đó, CBCNV Công ty đã lập công xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần đáng kể để bảo vệ cũng như ổn định nhanh chóng về sản xuất và đời sống của nhân dân Thủ đô.
       Thời kỳ này Công ty mới được thành lập từ những đơn vị có quy mô vừa và nhỏ, vốn liếng ít ỏi, cả Công ty có giá trị tài sản 4.350.000 đồng, cơ sở vật chất nhỏ bé lại phân tán, máy móc thiết bị già cỗi, lạc hậu, thiếu đồng bộ lại phải nhanh chóng tập trung xây dựng một đơn vị đủ sức xây dựng các công trình lớn đa dạng, phức tạp, đòi hỏi kỹ mỹ thuật cao của Thành phố, tuy vậy trong 4 năm Công ty đã phấn đấu hoàn thành vượt mức các kế hoạch hàng năm, năm sau cao hơn năm trước và đã bàn giao được 114 công trình với 99.086 m2. Thời gian này Công ty được giao xây dựng tới 20 trường học với hơn 600 lớp học và trên 42.000 m2 sử dụng trong đó có một  số Trường như Hoàng Hoa Thám, Việt Nam-Cu Ba, Lê Ngọc Hân, ...
       Sau thời kỳ thử thách này, Công ty đã xác định được sự tồn tại của mình và vươn lên nhiều mặt; tổ chức đơn vị ngày một vững vàng; lực lượng sản xuất ngày một phát triển về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất kỹ thuật đã được tăng thêm; tổ chức thi công đã có nhiều tiến bộ.

     Thời kỳ năm 1976 - 1986:

Đầu năm 1976 Công ty có 2.765 cán bộ công nhân viên, các năm sau đã liên tục tiếp nhận hàng năm từ 200 - 400 học sinh học nghề ở Trường Đào tạo Công nhân số 3 của Công ty ra trường.

Đầu năm 1977 do yêu cầu phát triển xây dựng, Thành phố đã quyết định tách Phân xưởng bê tông của Công ty ở Vĩnh Tuy thành lập Xí nghiệp Bê tông Vĩnh Tuy, tách Xí nghiệp Cửa gỗ Dân dụng của Công ty ở Giáp Bát thành Xí nghiệp Mộc cửa Giáp Bát, tách Đội xây dựng 6 của Công ty sang Xí nghiệp Nhà xưởng, tách Công trường 1 ở Đông Anh cùng với Công trường của Công ty Xây lắp Công nghiệp thành Công ty Xây dựng Đông Anh trực thuộc Sở Xây dựng Hà Nội.

Năm 1981 Công ty Xây dựng Nhà ở số 4 lại được sáp nhập vào Công ty Xây dựng Dân dụng Hà Nội. Đến năm 1984 Công ty đã có 4.048 cán bộ công nhân viên, đây là thời kỳ Công ty có số cán bộ công nhân viên đông nhất.

Do có một đội ngũ cán bộ công nhân viên lành nghề, có hệ thống tổ chức quản lý kỹ thuật chất lượng chặt chẽ nên chất lượng công trình không ngừng được nâng cao. Đến năm 1984 đã phấn đấu đạt được 100% công trình có chất lượng tốt, tiêu biểu như công trình Bệnh viện Phụ sản 100 giường, Nhà trẻ Triều Tiên, Nhà trẻ Đimitơrôp, Khách sạn Thăng Long, Nhà trò chơi điện tử, Rạp chiếu bóng Dân Chủ, Nhà xuất bản Sự thật, Tổng công ty Điện máy, Tượng đài Lê Nin…
       Trong công tác quản lý, Công ty đã chú trọng tới quản lý kinh tế, bằng nhiều hình thức và biện pháp như thành lập thêm phòng Kinh tế, phòng Tổng thầu kế hoạch 3, đã từng bước tiến hành thí điểm theo tinh thần của Bộ Tài chính và Ngân hàng kiến thiết, cấp vốn lưu động cho đơn vị xây lắp, thực hiện thanh toán gọn theo kiểu chìa khoá trao tay, áp dụng thí điểm tổng thầu khoán gọn;  Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh đến năm 1981 Công ty không phải đề nghị Nhà nước bù lỗ, từ năm 1982 trở đi đã có một phần tích luỹ.

     Thời kỳ năm 1987 - 2007:

Đầu giai đoạn này Công ty còn 3.600 người, tổ chức sản xuất theo mô hình 4 cấp: Công ty - Công trường - Công trình - Tổ. Nhiều đầu mối trung gian cồng kềnh kém hiệu lực. Vốn tự có nhỏ, thường xuyên phải vay nợ Ngân hàng.
        Sau một thời gian ngắn trăn trở, Công ty đã tiến hành sắp xếp lại sản xuất và lực lượng lao động, hình thành mô hình 3 cấp: Công ty - Đội - Tổ sản xuất, tổ chức hạch toán và phân cấp quản lý kinh tế trong nội bộ trên cơ sở sẵn có, đã tìm ra hướng đi đúng đắn và thích hợp với cơ chế; đã tạo ra một phần vốn, từng bước xây dựng được lòng tin và chữ tín với khách hàng. Công ty đã xác định được chỗ đứng của mình trong kinh tế thị trường để từng bước phát triển đi lên.

Ngày 10 tháng 2 năm 1993, Công ty được thành lập lại theo Quyết định số 627 QĐ/UB của Ủy Ban nhân dân thành phố Hà Nội. Lực lượng lao động của Công ty lúc này chỉ còn 1.500 người.
         Công ty đã có một loạt các liên danh, liên doanh ra đời: Với những Công ty trong nước đã có những liên danh để thi công những công trình lớn như: Trại tạm giam P25 Cầu Diễn, Chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, Chợ Hôm - Đức Viên, Sân vận động Hà Nội…Với những Công ty nước ngoài đã có những liên doanh như: Khách sạn Phương Đông (Liên doanh với Hồng Kông và Trung Quốc), Khách sạn Tháp trung tâm Hà Nội (Liên doanh với Singapore), Công ty Liên doanh Xây dựng Hà Nội - Bắc Kinh (Liên doanh với Hồng Kông và Bắc Kinh). Công ty là một đơn vị liên doanh với nước ngoài sớm nhất của Hà Nội trong lĩnh vực khách sạn và xây dựng.
        20/3/2002 Công ty đã được Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001-2000.
        Với nhiệm vụ mới, phạm vi hoạt động mở rộng, Công ty đã mạnh dạn nhận lập và xây dựng dự án lớn như Khu đô thị mới Yên Hoà với diện tích gần 40 ha và một số dự án nhỏ khác. Đồng thời để đảm bảo việc làm cho người lao động, Công ty đã không chỉ bó hẹp trong địa bàn Hà Nội như trước đây, nhiều đơn vị trong Công ty đã tích cực đi tìm kiếm công trình ở các tỉnh ngoài như: Hải Hưng, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Bắc Thái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Điện Biên …
        Qua hai mươi năm chuyển đổi từ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý điều tiết của Nhà nước, tuy có những lúc thăng trầm song Công ty Xây dựng Dân dụng Hà Nội đều hoàn thành kế hoạch năm sau cao hơn năm trước. Năm thấp nhất đạt 100,3%, năm cao là gần 200 %. Những năm trước đây do sự cạnh tranh ác liệt của cơ chế thị trường, giá trị sản xuất kinh doanh của Công ty khó vượt qua được ngưỡng 50 tỷ đồng/1 năm. Đến năm 2002 đã đạt được 105,2 tỷ đồng và năm 2006 Công ty đã đạt được giá trị là 300 tỷ đồng.
           Nộp ngân sách đạt 100% theo kế hoạch các năm, thường năm sau cao hơn năm trước. Năm 2002 nộp 850 triệu đồng, năm 2004 nộp 6,4 tỷ đồng, năm 2006 nộp 65,2 tỷ đồng.
          Thu nhập bình quân hàng năm có tăng nhưng mức tăng không nhiều, chưa đủ để đảm bảo đời sống cho gia đình người lao động. Năm 2002 đạt 900.000 đồng/người/tháng; năm 2006 mới đạt 1.650.000 đồng/người/tháng. 
       20 năm đổi mới Công ty đã có những tăng trưởng đáng kể, riêng 5 năm 2002 - 2006 Công ty đã hoàn thành bàn giao 197 công trình với tổng diện tích m2 bàn giao là 213.663 m2. Các công trình  tiêu biểu 20 năm như: Văn phòng Tháp trung tâm Hà Nội, Khu triển lãm Việt Nam tại HANOVER Cộng hoà liên bang Đức, Di tích Đoan Môn -Thành cổ Hà Nội, Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa, Khu vui chơi giải trí Hồ Tây, Nâng cấp Đường quốc lộ 1 Đông Hà - Quảng Trị, Đường 14 D Quảng Nam, Đường tránh 279 Điện Biên, Đường tránh Thành phố Thái Nguyên… Tất cả các công trình hoàn thành bàn giao đều đạt chất lượng tốt. Hơn chục công trình được Bộ Xây dựng trao tặng Huy chương vàng chất lượng.

Thời kỳ năm 2007 đến nay:

Công ty hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hoá Doanh nghiệp theo Quyết định số 1748/QĐ-UB ngày 04 tháng 05 năm 2007 của Ủy Ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước Công ty Xây dựng Dân dụng Hà Nội thành Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Dân dụng Hà Nội.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Hội đồng quản trị và sự đoàn kết một lòng của toàn thể CBCNV Công ty đã từng bước ổn định tổ chức sản xuất trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Giấy phép kinh doanh mới, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao cho. Sản lượng từ 315 tỷ đồng năm 2007 đến 2017 đạt 503 tỷ đồng. Doanh thu từ 236 tỷ đồng năm 2007 đến 2017 đạt 705 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2007 là 10,5 tỷ đồng đến năm 2017 đạt 82,5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân từ 1,8 triệu đồng/người/tháng năm 2007 đến năm 2018 đạt 7,95 triệu đồng/người/tháng, trả cổ tức luôn đúng kế hoạch với lợi tức cao, đặc biệt năm 2016 trả cổ tức 60% (30% bằng tiền mặt, 30% bằng cổ phiếu), năm 2017 trả cổ tức 70%, năm 2018 trả cổ tức 140% (100% bằng tiền mặt, 40% bằng cổ phiếu), chỉ tiêu nộp ngân sách đầy đủ 100%. Thời kỳ này nhiều công trình đã được Công ty xây dựng và bàn giao đưa vào sử dụng như các công trình thuộc dự án Yên Hoà, Cầu Giấy: chung cư cao tầng E1, G3AB, E4..., Trung tâm Đào tạo Vận động viên cấp cao Mỹ Đình, Trường Công nhân kỹ thuật cao Tây Mỗ, Trụ sở Quận uỷ, UBND Quận Long Biên, Trường Amsterdam, Trường cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc, Hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, Trường THCS An Dương, Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, xây thô và hoàn thiện mặt ngoài 15 căn biệt thự thuộc dự án Flamingo Đại Lải, Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương… và nhiều công trình khác đã góp phần tích cực thay đổi hiện trạng của Thủ đô. 
        28/12/2016 Công ty đã được Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001-2015.

Công ty ngày một lớn mạnh, thương hiệu phát triển bền vững, đời sống CBCNV được cải thiện nâng cao...
       Với thành tích đạt được trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội và các mặt công tác khác trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Công ty,  Công ty đã vinh dự đón nhận:

     -   01 Huân chương Độc lập hạng nhì (2011)

     -   01 Huân chương Độc lập hạng ba (2004)

     -   02 Huân chương Lao động hạng nhất (1986;1991)

     -   01 Huân chương Lao động hạng nhì (1982)

     -   05 Huân chương Lao động hạng ba (1978; 1980; 1983; 1985; 1985)

     -   01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì (2006)

     -   02 Huân chương Chiến công hạng ba (1973;1996)

     -   10 Huy chương vàng chất lượng công trình (1991: 4; 1992: 1;1998 : 1; 1999:  1;2000: 1; 2002: 1; 2003: 1)  
-  Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (2005; 2010; 2015)

cùng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Bộ Xây dựng, UBND Thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,…

    Liên tục trên 45 năm, Đảng bộ Công ty luôn được công nhận trong sạch vững mạnh, trong sạch vững mạnh tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Công đoàn vững mạnh xuất sắc; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tiên tiến xuất sắc; Đơn vị Quyết thắng; đơn vị an toàn về an ninh chính trị…